Book review

[Book Review] Tình yêu chân chính – Danny Scheinmann

Tình yêu chiến thắng cái chết” Tennyson

Câu chuyện được lồng ghép bối cảnh giữa quá khứ, hiện tại, giữa những thế hệ trong gia đình.

tangsach-1345748688_480x0

Nguồn ảnh: Internet

 

Năm 1992:  Leo và Eleni

Leo hoàn toàn mất cân bằng sau cái chết của Eleni, người con gái anh vô cùng yêu thương trân trọng khi hai người đang cùng nhau thực hiện chuyến chu du Nam Mỹ. Leo suy sụp hoàn toàn khi tận tay lo liệu các thủ tục đưa cô về Hi Lạp an tang.

Anh trở về Leeds tiếp tục nghiên cứu về loài kiến của mình và những người bạn tại trường đại học (Hannah, Charlie và Robert) nhưng hình ảnh của Eleni vẫn đeo đuổi cuộc sống của anh. Đến bất cứ nơi đâu, anh cũng nghĩ dường như Eleni đang ở đó. Đôi lúc, Leo khao khát một thứ tình yêu mà mình đã mất, nhưng chính lúc đó anh lại thấy có lỗi với Eleni.

Năm 1917: Moritz Daniecki và nàng Lotte

Moritz là con của một người đóng giày tại vùng đất Ulanow (Hà Lan) đem lòng yêu thương tiểu thư Lotte Steinberg, con gái của một nhà buôn lông thú giàu có khi họ còn thơ ấu. Moritz vô cùng bất ngờ khi biết Lotte dành tình cảm cho mình.

Năm tháng trôi đi, Moritz nhập quân ngũ cùng người bạn thâm Jerzy Ingwer. Niềm hạnh phúc của tình yêu chưa được bao lâu thì tai họa đã chợt ập đến. Trong bữa tiệc tại nhà Steinberg, có tin báo rằng, thái tử Áo Hung bị ám sát, những người lính phải ra trận chiến đấu vì danh dự của tổ quốc mình. Lotte nhìn về phía Moritz và Jerzy với vẻ ái ngại.

Ngày Moritz lên đường, Lotte đã thề rằng sẽ đợi anh trở về, bỏ qua sự phản đối của người cha giàu có. Cứ ngỡ rằng, cuộc chiến chỉ kéo dài một tháng nhưng họ đâu biết chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra và những gì đợi họ ở phía trước rất dài.

Moritz ra trận với bao hiểm nguy thiếu thốn, anh chứng kiến cái chết của những đồng đội của mình. Và rồi, trong cái rét của mùa đông, tuyết dày phủ trắng xóa, tự tay Moritz đã vô tình giết chết người bạn thân Jerzy của mình vì cố gắng xoa bóp tim cho Jerzy nhưng Jerzy đã bị cóng, xoa bóp tim khiến cho cậu bị trụy tim và chết. Mortitz vô cùng hối hận vì hành động đó và anh chửi rủa Frantx Kiraly (một người nông dân người Hungary cùng trong đội) vì đã cố tình không báo trước cho anh. Từ đó, khi hầu hết những người chiến sĩ trong quân ngũ bị chết vì cóng, Moritz gắn bó với Kiraly dù họ rất ghét nhau. Hai người bị quân Nga bắt làm tù binh vào năm 1915 và đày biệt xứ đến Siberia. Chính cái thiếu thốn của cuộc sống đã khiến Moritz và Kiraly trở thành bạn thân. Hai người cùng nhau vượt ngục vào năm 1917. Họ vẫn chửi rủa, lăng mạ và căm ghét nhau. Nhưng cho đến khi, Moritz rời xa Kiraly, chính những giọt nước mắt của Kiraly cho thấy, giữa họ là một tình bạn cao đẹp vượt lên cả cái chết.

Ký ức về Lotte ở bên Moritz, anh thường xuyên viết thư cho nàng ngay cả khi hệ thống bưu điện tại nước Nga đã không còn nữa. Những lá thư anh viết ngày một nhiều. Ký ức về người yêu, niềm mong mỏi mãnh liệt gặp lại nàng đã giúp anh sống sót qua các cuộc tàn sát và giam cầm để vượt qua 10.000 km trong bão tuyết và giá lạnh, đi bộ vượt qua nước Nga mênh mông, từ Mông Cổ, qua chiến tranh trong suốt 3 năm, để rồi cuối cùng trở về được quê nhà Ulanow. Nhưng cuối cùng thì anh vô cùng bàng hoàng khi nghe tin người yêu đã đính hôn với một luật sư và còn vài ngày nữa là đến hôn lễ tại Viên. Anh vật vã vì đau khổ và tự ti, nên quyết định tìm đến nhà người yêu để tìm hiểu xem cô có còn yêu anh không. Ngay khi gặp lại anh, đúng lúc cô đang mang trên người chiếc áo cho ngày cưới. Trong mắt Moritz, Lotte đã tiều tụy đi nhiều, tóc thêm vài sợ bạc, và anh nghĩ chính tình yêu của mình đã dày vò cô nhưng không ai yêu anh nhiều hơn Lotte cả. Cô đã quyết định hủy bỏ cuộc hôn nhân để lấy anh, để đi đến cùng đoạn kết tình yêu huyền thoại của hai người.

Câu chuyện tình yêu của mình được Moritz kể cho người con trai Fischel.

Hai câu chuyện tưởng chừng như không liên quan lại dẫn đến cùng một cái kết có hậu.

Fischel chính là người bố của Leo, sau này đổi tên thành Frant. Chứng kiến sự suy sụp của con trai sau cái chết của Eleni, cùng với sự động viên của người vợi Eve của mình, Frant quyết định kể lại cho con trai mình câu chuyện ông đã giữa trong lòng suốt nhiều năm, về câu chuyện ông được thừa kế từ người cha Moritz của mình, về chuyến tàu định mệnh trở toàn những trẻ em Do Thái và từ đó Fischel không bao giờ gặp lại mẹ và 2 người em trai của mình nữa. Họ mãi ở lại Berlin và chịu cảnh đày đọa của quân đội Đức đối với những người Do Thái.

Vang vọng trong câu chuyện là tiếng gọi của Lotte và Eleni “Anh phải sống”. “Anh phải tiếp tục sống.”

Câu chuyện là cuộc đấu tranh của Moritz Daniecki, người đã bất kể những trở ngại về khoảng cách và thời tiết, vượt qua cả giá lạnh, chiến tranh, tù đày để trở về với người yêu dấu và cuộc đấu tranh của Leo để thoát khỏi những ám ảnh, dằn vặt cứ ngày ngày vây bám lấy anh nhưng rồi Leo cũng tìm lại chính bản thân mình, anh tưởng mình đã chết sau cái chết của Eleni và anh lại có thể tiếp tục yêu Hanah một cách chân thành, có thể bước lên xe bus mà không bị ám ảnh bởi hình ảnh khi Eleni gặp tai nạn.

 “Cuộc đời là một chuyến đi, các con không cần sức mạnh hay của cải để sống sót trong chuyến đi đó, nhưng với tình yêu ở trong trái tim các con có thể đối mặt với bão tuyết. Bố mẹ chỉ có thể cho các con một vật đó là vật duy nhất để các con làm cho chuyến đi của mình thêm đẹp…Hãy giữ lấy  câu chuyện này như một di sản” – Moritz

Đan xen giữa câu chuyện về một tình yêu ca cả đó là những nỗi đau về chiến tranh. Danny đã đưa độc giả của mình đi qua những năm tháng của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất thảm khốc một cách chân thật, tự nhiên và sâu sắc. Cùng với đó, câu chuyện về trường đại học nơi Leo làm việc, những bài giảng của Robert, thạc sĩ vật lý mở ra những liên tưởng hài hước về electron và con người, và anh giải thích những lý thuyết vật lý một cách lãng mạn nhất. Từng chi tiết cuốn lấy nhau quá bi thương, dâng lên cao trào và vỡ òa trong nước mắt, sự dằn vặt, ân hận, rồi cuối cùng lắng lại với niềm hạnh phúc và ý nghĩa lớn lao của tình yêu chân chính mà mỗi nhân vật đã chọn được cho cuộc đời mình.

Một câu chuyện về tình bạn, tình yêu nam nữ, lòng tự hào tổ quốc và từ đó mà ta hiểu rằng:

“Bất cứ khi nào thời gian không dành cho tình yêu thì đó là thời gian bị lãng phí” – Tosso.

Đọc “Tình yêu chân chính” đôi khi mình thấy mệt mỏi vì câu chuyện dài và khá phức tạp, nhưng càng về cuối bạn mới chợt nhận ra không thể bỏ sót một chi tiết nào, và rồi bạn bật khóc vì sự lạ lùng của nhân vật, vì những bi kịch cuộc đời họ phải trải qua và vì những trái tim yêu mãnh liệt, chân thành.