[Book & Movie] Một ngày – David Nicholls
“Hãy sống mỗi ngày như thể thể đó là ngày cuối cùng của bạn” là điều mọi người vẫn nói, nhưng thật sự ai có đủ năng lượng để làm điều đó? Đơn giản là câu nói ấy không thực tế.”
Nhắc phim “One day – Một ngày” người ta thường nhắc đến như một trong những bộ phim lãng mạn nhất cần phải xem. Khi chọn mua và đọc truyện mình cũng đã hi vọng một câu chuyện lãng mạn như vậy. Nhưng khác với kỳ vọng của mình khi tìm một cuốn tiểu thuyết lãng mạn, nhẹ nhàng trong cái chuỗi ngày bất ổn nhất từ trước đến nay, “One day” là câu chuyện về tuổi trẻ nhiều hơn.
Hai nhân vật chính trong truyện là Emma và Dexter.
Nhưng trang đầu khiến mình không khỏi giật mình vì những tình tiết vô cùng, vô cùng quen thuộc. Cuộc sống sau lễ tốt nghiệp. Lễ tốt nghiệp cũng là nơi lần đầu hai người gặp nhau và cũng là bắt đầu cho một cuộc đời nhiều biến động cho cả hai người.
Trước hết, về Emma, tốt nghiệp khoa Anh Ngữ và Lịch sử, bằng danh dự, hạng nhất tại một trong những trường đại học danh giá nhất UK. Sau tốt nghiệp là những tháng ngày cô vật lộn với thành công, khi cô không thể kiếm cho mình một công việc phù hợp và làm phục vụ tại đoàn kịch, quán ăn, sau đó là làm giáo viên và quyết định nghỉ việc để làm việc cô yêu thích nhất, viết lách. Có những đoạn khiến mình chột dạ, vì nó là chuyện thật của tuổi 22. Khi mẹ cô luôn hỏi “Tại sao con chưa kiếm được việc, bằng danh dự hạng nhất của con đâu rồi?” hay những suy nghĩ mệt mỏi, Emma muốn về quê nhà làm việc trong khi “cô luôn nghĩ mình sẽ chinh phục được London”. Tuy vậy, Emma luôn có ý thức về công việc. “Hầu hết mọi người đều ghét công việc của họ. Đó là lý do vì sao chúng được gọi là công việc” và thật tồi tệ khi mỗi ngày đi làm, bạn lại lẩm nhẩm tôi-ghét-công-việc-này-tôi –ghét-công-việc-này. Hơn vậy, cô biết mình thông minh nhưng luôn giữ cố thủ trong mình một tư tưởng bảo thủ và những khái niệm truyền thống về vẻ đẹp phụ nữ lý tưởng. Cô nghĩ đeo một cặp kính dày thay vì kính áp tròng “sẽ chứng tỏ bạn không quan tâm đến những việc nhỏ nhặt tầm thường như để trong dễ nhìn, bởi tâm trí bạn phải tập trung vào những thứ to tát hơn”. Nhưng sau khi tốt nghiệp, những suy nghĩ đó lung lay, khi cuộc sống của cô giờ quá xa với thành công, không tương lai, không xinh đẹp, một căn nhà tồi tàn, công việc tẻ nhạt và một tình yêu chẳng bao giờ nói.
Những trang đầu truyện là những chuỗi ngày u ám và ngông cuồng nhất của tuổi trẻ không chỉ với Emma mà còn với Dexter. Cho dù anh có cố che giấu như hoang mang, bất ổn bằng những chuyến đi khắp Trung Quốc, Ấn Độ rồi quay lại Châu Âu rồi cặp với nhiều người, nhưng người ta vẫn thấy anh không hề có lý tưởng và dự định cho tương lai.
Một trong những câu nói ám ảnh nhất trong phần một là của mẹ Dexter, khi bà luôn tin tưởng rằng con trai mình có thể làm tốt mọi việc nhưng “Mẹ sợ con không còn tốt nữa”. Bà cũng lo lắng về con trai mình, sợ anh đã và sẽ đánh mất ước mơ, lý tưởng và chính mình giữa những năm tháng tuổi 20.
Những năm tuổi ba mươi, khi bắt đầu người ta thấy cuộc sống bắt đầu ổn và là năm của làn sóng thứ 3. Tác giả nhắc đến bốn làn sóng. Làn sóng thứ nhất, khi bạn bè kết hôn ngay tại trường đại học. Làn sóng thứ hai là những cuộc hôn nhân sau khi tốt nghiệp giữa tuổi hai mươi, làn song thứ ba là kết hôn khi đã ba mươi và làn sóng thứ tư, những cuộc hôn nhân lần 2, sau những cuộc tình đổ vỡ, sau những lời thề bị chối bỏ. Có lẽ trong đời người ta cũng một lần trải qua 4 làn sóng này. Và giờ thì mình làn 1, xong.
Đám cưới là khi bạn gặp lại bạn bè cũ, và phần lớn trong số họ đã thành công và có địa vị trong công việc hoặc xã hội. Có thể hiểu cảm giác của Emma, khi cô vừa nghỉ làm giáo viên và quyết định ở nhà viết lách. Cũng sẽ chẳng xa lạ gì khi nhận được lời hỏi thăm từ một người bạn cũ “Công việc của cậu dạo này thế nào, nghỉ ở nhà tạm thời chăng?” – Mình làm nhà văn – Cậu đã xuất bản được cuốn nào chưa’. Đọc đến đoạn này thấy Emma thật dũng cảm, chẳng có gì phải xấu hổ cho dù cuộc sống thế nào, miễn là bạn yêu thích việc mình làm.
Còn với Dexter, những năm tháng tuổi 30 đầy biến động, khi công việc xuống dốc, cuộc hôn nhân tưởng hạnh phúc nhưng rồi đổ vỡ, anh nghiện rượu, chơi gái và vẫn là một mối tình chưa nói.
Nói về tình yêu trong phim, nó vừa giống You are apple of my eye ở điểm dù họ có rất yêu nhau nhưng không bao giờ nói với nhau, và vừa giống Nơi cuối cầu vòng ở chỗ họ luôn tự nhận nhau là bạn thân và chỉ có thể đến với nhau ở tuổi 40, sau 20 năm, sau lời nói đùa “Nếu 40 tuổi, chưa lập gia đình, chúng mình sẽ đến với nhau”. Nhưng dường như mình cảm thấy cái lãng mạn nó giảm đi nhiều nhiều sau những buông thả của tuổi trẻ, sau những trượt dài của sai lầm và những cuộc tình thoáng chốc. Có lẽ mình vẫn thích quan điểm độc nhất trong tình yêu thì nó sẽ lung linh và chân thành hơn.
Truyện có một cái kết buồn sau cái chết của Emma. Lẽ ra tất cả có thể kết thúc ở Chương 18, khi sau tất cả những đổ vỡ, thất bại họ lại về bên nhau, cưới nhau, nhưng tác giả để đến tận chương 23. Emma chết, Dexter lại suy sụp, rồi lại hẹn hò và lại bắt đầu lại từ đầu.
“Có thể bạn đi hết cả cuộc đời để tìm kiếm mà không biết thứ mình đang tìm kiếm ở ngay trước mắt”.
Kết thúc câu chuyện là hồi ức, ngày đầu tiên họ gặp nhau 15/7, một ngày đã thay đổi tất cả. Một ngày để hàng năm sau những chuyến đi dài giữa cuộc đời họ lại gặp nhau tập sự như hai người bạn. Một ngày để họ luôn nhớ về. Một ngày tuổi 22, khi những thử thách cuộc sống thực sự bắt đầu.
Chúng ta đều một lần trải qua tuổi 22, đơn giản hãy suy nghĩ theo một cách nào đó. Không phải cố vật lộn để tìm kiếm một công việc mà lựa chọn để làm những gì mình muốn.
Kết lại một câu học được từ cuốn “Bá tước Monte Cristo” của Alexander Dumas “Sự khôn ngoan của người đời chỉ bao hàm trong hai từ “chờ đợi và hi vọng”