[Movie&book ] Mắt biếc – Hãy để những ký ức được ngủ yên
Tôi xem phim “Mắt biếc” ngay khi phim vừa ra rạp, vì thấy mọi người review rầm rộ quá. Theo những review của mọi người, tôi tự nghĩ, chắc nếu là Hà Lan, tôi cũng sẽ chẳng yêu Ngạn”. Nhưng sau khi xem phim, tôi lại nghĩ “Nếu là Ngạn tôi sẽ không yêu Hà Lan”. Dưới bàn tay của đạo diễn Victor Vũ, những thước phim của Mắt biếc rất đẹp, rất nên thơ, nhưng có lẽ 2 tiếng đồng hồ vẫn không đủ để tôi lý giải được diễn biến tâm trạng của nhân vật. Bởi vậy, tôi về nhà đọc lại truyện. Bài này tôi chỉ nói về nội dung, còn kỹ thuật làm phim, hình ảnh, cảnh quay, âm nhạc… trong phim của Victor Vũ thì đã quá tuyệt vời.
Cuốn truyện không dài, tôi đọc hết chỉ trong một buổi tối. Và khi đọc xong, tôi vẫn thấy bứt dứt, rối bời. Tôi vẫn mắc kẹt trong cái suy nghĩ của mình, cố gắng đi tìm một lý do “Tôi chẳng hiểu sao Ngạn lại có thể yêu Hà Lan nhiều đến như thế?” nhưng tôi tìm chẳng thấy. Trước khi xem phim, tôi đứng về phía Hà Lan, bởi quyết định không yêu một người dù người ta tốt thế nào cũng là dễ hiểu, bởi trái tim đâu thể nói yêu là yêu. Nhưng sau khi xem phim, thực sự tôi thấy không thích nhân vật Hà Lan và thấy thương Ngạn.
Nói thật, tôi không phải fan của truyện Nguyễn Nhật Ánh. Nếu như những tác phẩm của Nguyễn Nhật Anh là một phần trong trẻo trong tuổi thơ của ai đó, thì với tôi cuốn đầu tiên của bác Nguyễn Nhật Ánh mà tôi đọc là ‘Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, rồi đến “Tôi là Bê tô”. Truyện hay nhưng cũng chưa đủ khắc sâu vào tâm tư của tôi ngày ấy, và cũng chưa đủ để nằm trong danh sách những cuốn sách hay nhất tôi đọc.
Mãi cho đến năm 2019, tôi bắt đầu xem “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sau khi bị hút hồn bởi những thước phim xanh mướt, vàng rực và óng ánh những hạt sương mát lành của miền quê. Xem xong phim, tôi tò mò đọc truyện rồi lại đắm chìm trong lời văn rất mượt mà rất tình cảm của Nguyễn Nhật Ánh. Rồi đến “Mắt biếc”, tôi lại xem phim trước, đọc truyện sau. Truyện của Nguyễn Nhật Ánh công nhận rất tình, lời văn rất mượt mà, giàu hình ảnh, sâu sắc. Nếu so sánh giữa “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và “Mắt biếc”, tôi thích “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hơn. Tôi thích nét thơ ngây, trong trẻo, hồn nhiên của những đứa trẻ trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Ở “Mắt biếc”, vẫn ngôn từ trong trẻo và khung cảnh làng quê thơ mộng ấy không đủ để làm nhạt đi nỗi buồn trong cuộc sống của những người trưởng thành.

Hai nhân vật chính của truyện là Ngạn và Hà Lan, hai người bạn từ thuở lên năm sống ở làng Đo Đo. Ngạn gọi Hà Lan là “Mắt biếc” và ngay từ nhỏ cậu đã yêu đôi mắt ấy, yêu cô bạn thân của mình và nói với bà ngoại rằng lớn lên sẽ lấy Hà Lan làm vợ. Lên cấp 3, hai người bạn cùng lên thành phố học. Hà Lan lên thành phố trước Ngạn 2 tháng, ở cùng nhà cô họ. Hà Lan đã tỏ ra mình thích cuộc sống ở thành phố, và cô chẳng còn thích làng Đo Đo nữa. Ngạn vẫn luôn yêu làng Đo Đo. Anh nhận thấy sự thay đổi của cô bạn nhưng vẫn luôn giữ trong mình tình yêu đơn phương, không dám thổ lộ. Hà Lan sớm quen với Dũng, anh họ của Ngạn, rồi mang thai với Dũng. Một thời gian sau khi Hà Lan sinh bé Trà Long, Dũng cũng đi lấy vợ khác, Hà Lan một mình mở tiệm may, gửi con về quê để bà ngoại trông. Ngạn học xong sư phạm về làng Đo Đo dạy học, anh thường xuyên sang chơi với bé Trà Long. Lớn lên, khi học hết đại học, Trà Long về làng Đo Đo dạy học, và cô nảy sinh tình cảm với chú Ngạn. Ngạn biết tình cảm của Trà Long, không đành nên quyết định đi khỏi làng Đo Đo.
Cốt truyện chính của truyện và phim giống nhau. Trong phim, đạo diễn và biên kịch đã bỏ bớt nhân vật 2 người cô họ của Ngạn và thêm nhân vật Hồng, cô bạn cùng lớp yêu thầm Ngạn suốt 30 năm. Đoạn kết, nếu như tác giả Nguyễn Nhật Ánh để Hà Lan kết hôn, thì trong phim, cô vội vã chạy theo chuyến tàu đưa Ngạn đi xa như đuổi theo những điều tốt đẹp cô đã đánh mất.
Về nhân vật Hà Lan, cuối truyện câu nói “Bà ngoại bảo, có hai điều không được bỏ lỡ, đó là chuyến xe cuối cùng về nhà và người thực lòng yêu thương mình”. Nhưng mình thấy câu nói đó xuất hiện cuối phim vội vàng, không ăn nhập, và có phần thật “oan uổng” khi người ta đổ lỗi cho Hà Lan vì đã bỏ lỡ 2 điều đó. Đó là chuyến xe về quê, và rõ ràng, Hà Lan đã chẳng còn yêu làng Đo Đo ngay từ khi cô lên thành phố chỉ mới 1 tháng. Dù có bắt kịp chuyến xe cuối cùng, liệu chuyến xe đó có đưa Hà Lan đến nơi cô thực sự muốn đến. Và Hà Lan cũng bỏ lỡ Ngạn, người thực lòng yêu cô. Nhưng có gì sai khi cô không thể điều khiển trái tim mình và nói với nó rằng “yêu cậu bạn thân của mình đi”. Trước khi lên thành phố, cô đã cho Ngạn cơ hội để hôn mình, nhưng Ngạn bỏ lỡ. Rồi càng về sau, tôi lại càng thấy hai người chẳng hợp nhau chút nào. Chính Hà Lan đã khẳng định với Trà Long rằng hai người quá khác nhau, Ngạn thuộc về Đo Đo, Hà Lan thuộc về cuộc sống ở thành phố. Và sao Hà Lan có thể yêu một người không thể bảo vệ cô, không ở nơi cô muốn thuộc về và cũng chẳng đủ dũng cảm để nói với cô một câu tỏ tình. Xét về chuyện tình cảm của Hà Lan và Ngạn là như vậy, nhưng còn tính cách của Hà Lan thì tôi không thích chút nào. Có lẽ tác giả hơi ưu ái cô gái với đôi mắt biếc quá. Ngay đầu truyện, khi Ngạn nói khi lớn lên sẽ cưới Hà Lan làm vợ, bà ngoại của Ngạn đã nói “Hà Lan có đôi mắt biếc, cuộc đời sẽ khổ”. Sau khi thấy câu này, mình đã tưởng tượng một diễn biến khác. Thực ra, tôi thấy người khổ là Ngạn chứ không phải Hà Lan.
Cuộc đời của Hà Lan trong truyện, gia đình cô vốn khá giả hơn phần lớn gia đình của làng Đo Đo.Hà Lan muốn gì, cũng có Ngạn lấy cho bằng được, Hà Lan bị bắt nạt, Ngạn cũng đi bảo vệ dù bị đánh bầm dập. Khi lên cấp 2, khi bạn bè chẳng có xe đi, Hà Lan đã được bố mua cho cái xe đạp. Khi lên cấp 3, Hà Lan lên thành phố ở với gia đình người cô rất khá giả. Vì không có con gái, cô coi Hà Lan như con gái ruột, mua cho quần áo đẹp, đồ ăn kiểu Tây, không thiếu gì. Cho đến ngày Hà Lan gặp Dũng. Dũng năm lần bảy lượt bỏ rơi Hà Lan đi chơi với Bích Hoàng, từ khi học lớp 10, Hà Lan đã đến khóc lóc với Ngạn. Đến năm lớp 11, Ngạn cũng phát bực và khuyên Hà Lan bỏ Dũng đi nhưng Hà Lan không chịu, và sau đó Hà Lan có bầu với Dũng. Hà Lan cũng được cô cấp vốn mở tiệm may, gửi con về quê để mẹ ruột chăm sóc, và có Ngạn luôn ở bên mỗi lúc cô cần. Mình không thấy Hà Lan khổ chỗ nào luôn. Chuyện cô có thai ngoài ý muốn với Dũng dù đã biết Dũng đi lại với Bích Hoàng cả năm trời, nhưng đó là do Hà Lan tự mình làm tự mình chịu, đâu phải cuộc đời xô đẩy, đưa cho cô khó khăn gì. Đến cuối chuyện cô vẫn kết hôn. Trong phim, Hà Lan khổ hơn một chút. Nhưng xét cho cùng, nhân vật Hà Lan với tôi ngoài mắt đẹp ra thì không thấy nét đáng yêu nào. Thậm chí còn có đoạn cô không muốn nhận con gái mình mà chạy theo người tình mời.
Vậy Ngạn yêu làng Đo Đo, yêu đôi mắt biếc hay yêu con người của Hà Lan?
Tình yêu đơn phương, thuần khiết, chân thành và đôi khi đến ngốc nghếch của Ngạn khiến mình thấy đáng thương. Ngạn như bị mắc kẹt trong quá khứ, trong tuổi thơ, trong rừng sim màu tím để không chấp nhận rằng Hà Lan đã lớn, đã thay đổi, đã chẳng còn muốn ở làng Đo Đo nữa. Tất cả những người con của làng Đo Đo như chị Quyên, cô Nhường, cô Thịnh đều rời xa quê hương để đi tìm cuộc sống mới, chỉ có Ngạn vẫn ở lại ôm những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ. Ngạn yêu Hà Lan như thế nhưng Ngạn có chịu ở lại thành phố cùng Hà Lan không hay Ngạn chỉ muốn Hà Lan trở về Đo Đo dù Hà Lan không thích? Giữa việc ở lại thành phố để gần Hà Lan và về làng Đo Đo, Ngạn đã chọn về làng. Rồi Ngạn cũng có tình cảm với bé Trà Long, bởi cô mang chính hình ảnh của mẹ mình. Trà Long yêu Đo Đo, yêu Ngạn nhưng Ngạn không thể đón nhận tình cảm thuần khiết ấy bởi mãi mang trong mình hình ảnh của Hà Lan.
Xem xong phim, rồi đọc truyện, tôi cảm giác như “Mắt biếc” là một chuỗi những nhân vật đuổi theo những người không thể dành tình cảm cho họ. Để rồi, họ bị người họ yêu làm khổ nhưng họ lại làm khổ người kia. Dũng phụ Hà Lan, Hà Lan phụ Ngạn, Ngạn phụ Trà Long. Trong phim thì Ngạn còn phụ cả Hồng, cô gái yêu thầm anh suốt 30 năm, mà 30 năm với một người con gái là quá dài.
Cuối cùng thì việc Ngạn rời xa Đo Đo tôi lại thấy đó là một cái kết tròn trịa, bởi nếu để Ngạn và Hà Lan quay về với nhau thì không hợp lý khi hai người quá khác nhau. Để Ngạn đến với Trà Long thì thiệt thòi cho Trà Long, cô có tương lai của mình đâu thể thay mẹ đền đáp tình cảm cho Ngạn. Xa Đo Đo, để Ngạn thoát khỏi miền ký ức quá trĩu nặng, để anh có thể đi tìm hạnh phúc thực sự cho riêng mình.
Với tôi, nội dung cốt truyện của Mắc Biếc không thuyết phục, tôi chẳng thể yêu nổi nhân vật Hà Lan. Xét về cảnh quay và góc máy thì phim hơi sến. Đạo diễn cố gắng “cắm hoa sim” để tạo nên những cảnh quay đẹp như MV ca nhạc, nhưng cảnh quay tà áo em bay giữ sân trường hay làng Đo Đo hiện lên rất dựng. Tóm lại, Mắt Biếc với tôi thỏa mãn phần nhìn, còn không thể thỏa mãn khán giả khó tính.