Version Review phim Cuộc đời của Pi mới sau khi mình xem lại phim và sau khi mình thấy bài viết cũ bị copy và thay đổi tên tác giả trên một trang review phim.

“Cuộc đời của Pi” là tác phẩm của nhà văn Yann Martel xuất bản năm  2001, và được chuyển thể thành phim năm 2012 dưới bàn tay của đạo diễn Trung Quốc Lý An, đạo diễn của hàng loạt tác phẩm nổi tiếng như Ngọa hổ Tàng long, Sắc Giới, dạo diễn đã 3 lần đoạt giả Oscar. Nhìn danh sách các giải thưởng văn học mà tác phẩm của Yann Martel nhận được, cũng như các giải thưởng, đề cử điện ảnh của bộ phim, bộ đôi tác phẩm cả truyện cả phim này sẽ không làm bạn thất vọng.

Đây là tác phẩm mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ. Ví thế, dù cảm nhận câu chữ trong tác phẩm rất mộc mạc, dễ đọc, dễ hiểu nhưng có rất nhiều tầng nghĩa sâu sa phía sau cần thời gian để chiêm nghiệm. Bởi thế mà cứ mỗi lần xem lại phim, mình lại nhận ra một “triết lý” sau đó. Đây cũng là lần thứ 2 mình viết lại review tác phẩm này. Bộ phim cuốn hút ngay từ những hình ảnh lung linh đầy màu mắc huyền bí.

Bạn có thể tự hỏi, tại sao con hỗ lại không ăn thịt Pi, tại sao lại có con cá Voi giữa đại dương nhảy lên mà thuyền bé xíu không bị lật? Tại sao anh ta có thể sống cả trăm ngày trên biển dù bão, dừ đói, nắng? Tại sao có hòn đảo ăn thịt người? Và có có một câu hỏi khác bạn có tin vào thượng đế, vào sự kỳ diệu của vũ trụ?

Mình xem phim Cuộc đời của Pi từ năm 2016 và đọc cuốn sách cùng tên đầu năm 2019. Mình biết là tác phẩm nổi tiếng nên đã mua truyện từ lâu rồi, nhưng lúc mới xem không hiểu, nên cũng không có hứng đọc truyện lắm. Đến khi đã hiểu ra, mặc dù đã biết trước nội dung nhưng những tình tiết trong cuốn sách vẫn làm mình tò mò. Mình thích cuốn sách hơn là bộ phim và sách giải thích những đoạn ẩn dụ trong phim dễ hiểu hơn.

Nội dung truyện kể về cậu bé 16 tuổi Piscine Molitor Patel, con trai của người chủ vườn thú Pondicherry, India. Gia đình cậu có 4 người: Bố mẹ, Pi và anh trai. Ngay từ nhỏ, Piscine đã gặp nhiều rắc rối bởi cái tên của mình. Cậu bị bạn bè trêu cười vì khi phát âm, tên cậu gần giống với từ “đi tiểu” dù cậu có một cái tên ý nghĩa. Piscine đã mạnh mẽ đứng lên yêu cầu các bạn trong lớp gọi mình là Pi (Pi=3.14), và cậu còn học thuộc hết cả dãy số Pi viết lên bảng như một số khẳng định mạnh mẽ về ý nghĩa cái tên của mình.

Pi bị cuốn hút bởi các tôn giáo. Gia đình cậu đều theo đạo Hindu và tôn thờ các vị thần Hindu, cùng lúc cậu theo cả đạo Hồi và đạo Thiên Chúa. Cậu tin vào thượng đế. Cha của Pi dạy cậu những bài học về sự hoang dã của các loài động vật khi cậu cố gắng lại gần chú hổ Richard Parker.

Một ngày, để tránh những biến cố về chính trị tại Ấn Độ, gia đình Pi quyết định bán một số con thú đi, và di cư đến Canada. Một số con thú được bán đến Mỹ đi cùng gia đình trên con tàu của Nhật tên là Tsimtsum. Không may, con tàu gặp nạn bị chìm trong đêm. Cả gia đình và những người trên tàu bị thiệt mạng. Pi may mắn sống sót, bị các thuyền viên đẩy xuống 1 cái thuyền cứu hộ. Một số con thú đã được nhốt trong lồng cũng bị xổng ra ngoài lên thuyền với Pi.

Trên thuyền cùng Pi ban đầu có 1 con hổ Bengan tên là Richard Parker, 1 con linh cẩu, 1 con ngựa văn bị gẫy chân và 1 con đười ươi tên là Nước Cam lênh đênh trên thuyền chuối leo lên thuyền. Con linh cẩu ăn thịt ngựa văn và giết Nước Cam, sau đó hổ Richard Parker giết con linh cẩu. Cuối cùng trên thuyền chỉ còn Pi và Richard Parker lênh đênh trên biển hơn 7 tháng (227 ngày).

Suốt hành trình của mình, Pi luôn đặt niềm tin vào thượng đế. Bằng những hiểu biết về thú hoang, Pi thuần hóa được Richard Parker, đánh bắt cá, rùa biển để duy trì sự sống của cả cậu và Richard Parker. Trên hành trình của mình, Pi cũng phát hiện ra một hòn đảo với sự sinh sống của chồn biển. Tuy nhiên, cậu nhanh chóng phát hiện ra rằng đêm đến, những loại tảo trên đảo trở nên đáng sợ và phát hiện ra răng người cuộn sâu trong những chiếc lá trên cây. Cậu và Richard Parker nhanh chóng rời đảo.

Khi đã gần kiệt sức, thuyền của Pi dạt vào một bờ biển ở Mexico và được người dân giúp đỡ. Richard Parker vừa lên bờ đã chạy vào rừng sâu. Sau đó người của công ty bảo hiểm của Nhật đến, hỏi Pi về việc con tàu Tsimtsum bị đắm. Pi đã kể lại câu chuyện của mình nhưng họ không tin. Cuối cùng Pi đưa ra 1 câu chuyện khác. Nhiều năm sau, Pi sinh sống tại Canada và lập gia đình, ông kể lại câu chuyện của mình cho một nhà văn Canada.

Life of Pi 2

Ban đầu khi xem phim, mình đã thấy rất hay rồi những cho đến khi đọc truyện những ý nghĩa về đức tin, tôn giáo, bản ngã con người được miêu tả chân thật hơn. Bởi có lẽ trong sách, cuộc sống của Pi và gia đình trông coi sở thú hay những đoạn Pi phải tự tay bắt, ăn sống thức ăn hay thậm chí ăn thịt người để tồn tại trên biển trong khi trước đó gia đình cậu ăn chay được miêu tả rất kỹ, mình mới thấy các chi tiết rõ ràng hơn. Còn trong tác phẩm điện ảnh, nhà làm phim đã lược bỏ những chi tiết của 3 chương đầu mà mình nghĩ đó là những nền tảng cho tính cách, cũng nhưng cách Pi ứng xử trong biến cố cuộc đời sắp ập đến. Chính vì bỏ qua những chi tiết tiết rất “trần trụi và man rợ về sự sinh tồn”, bộ phim tràn ngập những hình ảnh lung linh, đầy màu sắc kỳ bí. Mình thích nhất khung cảnh buổi đêm, đàn cá lấp lánh dưới biển và con cá voi nhảy lên khỏi mặt nước tạo một vòng cung khổng lồ.

“​Những người này không chịu nhận ra rằng Thượng đế phải được bảo vệ bên trong lòng chúng ta, không phải ở bên ngoài. Họ nên hướng cơn giận của họ vào chính bản thân. Bởi lẽ cái ác ở ngoài kia chỉ là cái ác ở bên trong đã được sổng ra ngoài.”

16 tuổi, Pi chịu những mất mát, đau đớn đến tột cùng: rời xa quê hương, mất gia đình, những khó khăn, thiếu thốn, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần khi lênh đênh trên biển. Nhưng Pi bám vào đức tin mãnh liệt để tiếp tục sống và hi vọng được sống, thay vì oán trách, bởi việc xảy ra trên đời đâu cần có lý do gì.

“Nếu nó xảy ra, nó xảy ra, tại sao nó phải mang ý nghĩa gì chứ? “

Có 3 đoạn mình ấn tượng nhất trong tác phẩm.

Thứ nhất, Richard Parker bỏ đi vào rừng không một lời tiễn biệt, không hề quay đầu lại. Trong truyện, Pi kể lại bằng sự thanh thản nhưng trong phim Pi gào khóc như một đứa trẻ. Đoạn phim này cũng khiến mình cảm động, bởi đó như một sự tiễn biệt với người bạn đã cùng nhau vượt qua gian khó như sâu hơn là Pi giã từ cái phần “tàn bạo, thú tính trong mình” để tồn tại suốt bảy tháng qua, giờ cậu bé với đức tin và khao khát được sống có thể trở về với cuộc sống bình thường của con người. Richard Parker không thuộc về cuộc sống đó. Nhưng mình thấy sự thanh thản trong lời kể của Pi trong truyện bởi dù sao suốt 7 tháng lênh đênh, Pi đã cho Richard Parker đủ tình nghĩa, cậu là người cứu con hổ từ biển lên, kiếm thức ăn, cùng nó chia sẻ mọi thứ trên biển. Bởi Pi biết trân trọng và yêu thương, nên phút chia ly đâu có gì cần hối tiếc.

Life of Pi 1

Đoạn thứ 2 là đoạn trên hòn đảo ăn thịt người. Thực ra đó là hòn đảo tươi đẹp, đầy nước ngọt, đã cứu Pi và Richard Parker khỏi chết đói và kiệt sức. Những tưởng Pi có thể bắt đầu cuộc sống mới ở đây, bình yên và đủ đầy nhưng cậu chợt nhận ra sự nguy hiểm của sự đủ đầy ấy. Hòn đảo cũng như một cái bẫy an toàn, khiến người ta không muốn quay lại những ngày lênh đên trên biển, và dần dần ăn thịt người sống trên đó. Pi nhận ra điều đó, và cậu tích đầy nước ngọt và thịt lên thuyền để tiếp tục bước ra khỏi vùng an toàn để về đất liền. Ra biển để về đất liền còn hơn chết dần chết mòn trong sự đủ đầy mà hòn đảo ngụy trang cho nó.

Life of Pi 3

Chi tiết cuối cùng là đoạn phỏng vấn ngắn ngủ giữa Pi và 2 người trong công ty bảo hiểm. Họ không tin vào câu chuyện trên chiếc thuyền, không tin vào hòn đảo, không tin rằng buồng chuối và con đười ươi nổi trên mặt nước. Họ chỉ tin vào câu chuyện hư cấu mà Pi tự nghĩ ra. Suy cho cùng, người ta chỉ tin vào những điều mình muốn tin, và những điều họ từng thấy.

“If we, citizens, do not support our artists, then we sacrifice our imagination on the altar of crude reality and we end up believing in nothing and having worthless dreams.”

Kết phim cũng khá mơ hồ, và bạn có thể tin vào bất cứ câu chuyện nào của Pi. Có thể câu chuyện về những con thú và hòn đảo chỉ là ảo giác. Điều quan trọng là, bạn có tin vào thượng đế, tin vào những điều kỳ chiệu của vũ trụ?

(Mình sẽ lại edit bài viết này khi ngộ ra triết lý mới mỗi lần xem lại phim) 😀

“If there’s only one nation in the sky, shouldn’t all passports be valid for it?”

Nguồn ảnh: Internet

Link mua sách trên Shopee: Cuộc đời của Pi

Những Bài review phim khác của mình. Review phim

Những đoạn review sách và phim ngắn trên Instagram: @vitamin.books