Con đường hồi giáo” tác giả Nguyễn Phương Mai xuất bản từ năm 2014. Khi ấy rất nhiều bạn bè mình chia sẻ cuốn sách này, lúc mà sách du ký, tuyên ngôn “Cuộc đời là những chuyến đi” rầm rộ khắp Facebook. Nhưng mình không nghĩ mình sẽ đọc cuốn sách này bởi mình nghĩ có lẽ nó sẽ giống như những cuốn sách du ký khác, tác giả đi đây đi đó, thấy cái này cái kia, còn mình đọc xong chẳng để lại được cho mình bài học gì. Ấy thế chẳng biết trời xui thế nào, chắc tại lâu lắm chẳng được đi đâu, hay vì vẫn còn tò mò về Trung Đông, Hồi giáo sau “Người Đua Diều”, “Ngàn mặt trời rực rỡ”, hoặc chỉ bởi 1 câu trích dẫn từ cuốn sách mình đọc từ đâu đó. Đây là cuốn sách đầu tiên mình đọc trong năm 2022. Uhm, mình đã nhầm. “Con đường Hồi giáo” ở một đẳng cấp khác hẳn so với những cuốn du ký cùng thể loại. Xét về độ sâu sắc, uyên thâm, thì tác giả, một Tiến Sĩ ngành Giao tiếp đa văn hóa, giảng viên đại học ở Hà Lan, ngay từ trang đầu đã khiến độc giả hơi xoay xoay vì một vài thuật ngữ quen quen nhưng dễ nhầm: Islam, Islamism, Muslim, Burqua, Hijab…Còn về văn phong ngôn từ thì Thư ký tòa soạn báo Hoa Học trò một thời cũng bảo chứng sự chau chuốt, mềm mượt trong từng câu văn.

Hiện tại nội dung này đã có trên Podcast, mời bạn lắng nghe và theo dõi Podcast Small steps everyday.

Sau khi thất bại với nỗ lực xin Visa vào Saudi, tác giả đi theo cung đường lịch sử đạo Hồi tỏa sang phía Tây, cô lần lượt đi qua Dubai, Oman, Yemen, Li Băng, Syria, Jordan, Palestine, Ai Cập, Libya, Tunisia, Ma Rốc, rồi quay trở lại Tây Ban Nha. Cứ thế, thế giới Hồi giáo hiện ra như những mảnh vỡ rời rạc được hàn gắn, rồi phần nào bức ảnh Trung Đông chưa bao giờ được khắc họa trọn vẹn, nay đã có những mảng sáng tối đầy màu sắc.

Con đường hồi giáo” cho mình suy nghĩ về niềm tin.

Syria
Syria

Về định kiến.

Từ trước đến nay, Trung Đông, Hồi giáo hiện lên với mình qua báo chí, phim ảnh thường có màu vàng kim tiền của mấy bác Ả Rập sinh ra trên hố dầu và tiền không biết tiêu gì cho hết, có ánh mắt sâu hút và bộ râu quai nón của các trai anh đẹp bị trục xuất, và tất nhiên nổi bật, bao trùm lên tất cả là màu xám xịt của chiến tranh, chế độ trọng nam kinh nữ và những niềm tin khiến cho người ta thấy khó hiểu. Lại cộng thêm mấy bài phân tích của các bác nhà báo Mỹ, như lại đổ thêm màu đen vào bức tranh về Trung Đông, Hồi Giáo chỉ toàn hỗn loạn, bất bình đẳng, cực đoan, chém giết, khủng bố, chiến tranh… Để rồi chúng ta quên mất rằng Hồi giáo từng là tôn giáo đi đầu trong khoa học, công nghệ và nam nữ bình quyền. Giữa bom đạn, chiến tranh vẫn có những thánh đường đẹp nguy nga, trầm tích văn hóa lâu đời, những phiên chợ vàng bán theo ký, những con đường đầy màu sắc và những công trình kiến trúc đẹp đến nghẹt thở và cả những con người sống vì lý tưởng của riêng họ.

DUBAI
Dubai

Con người ta cũng thật lạ. Người ta thường đứng trong góc sân nhỏ và nói về thế giới rộng lớn, hay tha hồ tưởng tượng về những điều ta tò mò nhưng không làm sao để dễ dàng biết được. Mà kỳ lạ ở chỗ, cứ hay tưởng tượng ra toàn những điều tiêu cực. Bởi thế mà cướp, hiếp giết lúc nào cũng nhiều view hơn thể loại khác. Ngay từ chương đầu, tác giả đã có một so sánh. Nếu đọc những bài báo toàn tin đánh bom và nghĩ cứ đặt chân đến Trung Đông là có thể mất xác thì chẳng khác nào đứng giữa phố đèn đỏ ở Amsterdam và nghĩ ở Hà Lan người ta… đều thế. Vậy cuối cùng thì Trung Đông có thật là chỉ có như trên báo người ta vẫn nói không? Câu chuyện của Trung Đông phức tạp, giằng xéo qua cái phễu lọc của mạng xã hội và báo chí chỉ còn lại những chi tiết gây sốc và dễ câu view nhất.

Tác giả nói nhất nhiều lần về những nhà lãnh đạo Hồi giáo, rằng không có người tốt chỉ có người xấu ít và xấu nhiều. Và rằng sau những bản tin trên báo đài, liệu có ai hiểu câu chuyện của gia đình Hồi giáo chọn ủng hộ Taliban chỉ đơn giản vì họ xấu xa ít hơn chính quyền hiện tại.

“Bất kể một định kiến về Trung Đông đều có thể bị đập tan bởi những câu chuyện hoàn toàn đối lập…. Và vì thế cho đến giờ tôi vẫn băn khoăn tự hỏi liệu những hiểu biết và ấn tượng về Saudi (một nơi không thể đặt chăn đến) của mình sẽ có thể xa rời thực tế thế nào?”

Trong câu chuyện về những định kiến đè nặng lên Hồi giáo và Trung Đông, tác giả nói đến sự quay cuồng của thông tin với tốc độ quá nhanh mà người ta không thể thích nghi, không đủ thời gian để đọc, để cân nhắc và cũng chẳng thể suy ngẫm. Cứ thế định kiến của chúng ta cứ ở đó, đè nén như một căn phòng trật trội bị khóa chặt, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng mở ra, dù chìa khóa ở trong tay mình.

“Tôi tin là một khi đặt chân đến Trung Đông với trái tim mở toang không che giấu, những người Hồi rồi cũng sẽ mở lòng với tôi – một cô gái Việt Nam vô thần”.

Về đức tin và tôn giáo

Vẫn câu chuyện về niềm tin, vô thần nghĩa là người \”chỉ tin vào những gì mình thấy\” hoặc chỉ tin vào những gì “khoa học chứng minh được” là có thật, là hiện hữu trong thế giới hữu hình, người không tin vào thần thánh. Nhưng nếu Thượng đế không tồn tại, thì không lẽ mấy ngàn năm qua con người ta đổ máu vì những ảo ảnh, tưởng tượng và phần lớn con người trong hành tinh này có trí tưởng tượng phong phú hoặc một niềm tin mù quáng. Mình nghĩ đến cuối cùng, ý nghĩa nhận văn nhất của những chuyến đi là khiến người ta mở lòng, mở cánh cửa che giấu những định kiến, để thôi áp đặt, thôi phán xét. Đầu hành trình, tác giả nói mình là kẻ vô thần, giữa con đường cô khóc nức nở giữa thánh đường thiêng liêng bởi sự chênh vênh chẳng có một niềm tin và tín ngưỡng nào để bấu víu.

“Chín tháng lăn lê qua mười ba đất nước Trung Đông… chưa bao giờ tôi cảm nhận rõ hơn sức mạnh của tôn giáo và đức tin. Tôi tin rằng Thượng đế và tôn giáo không đơn giản chỉ là để con người chúng ta biết rằng công bằng là có thật, lẽ phải cuối cùng cũng chiến thắng, rằng mụ phù thủy độc ác cuồi cũng cũng phải đền tội và Lọ Lem rồi sẽ sống đời đời hạnh phúc”.

Chỉ có điều mình hơi thắc mắc là trong cuốn sách này, tác giả xếp Tín ngưỡng thờ cũng tổ tiên (Đạo ông bà) vào lược đồ tôn giáo nhưng mình nghĩ tín ngưỡng và tôn giáo có sự phân biệt.

Yemen.
Yemen

Về tự do

Xuyên suốt hành trình của mình, tác giả nhiều lần nói về tấm khăn choàng và trinh tiết của phụ nữ, qua đó lên tiếng về bình đẳng giới, phê phán những hủ tục hà khắc kiểu trời ơi đất hỡi phán xử nghiêm khắc đến man rợ.

“Chưa ở đâu chữ trinh lại có sức nặng khủng khiếp như ở Trung Đông. Nếu ở Việt Nam nó đáng giá ngàn vàng thì ở Trung Đông nó đáng giá cả mạng người… Cái mảnh da mong manh của cô dâu không chỉ là biểu tượng trong trắng chính cô ấy mà trở thành phẩm hạnh và danh dự của cả dòng họ”.

Khi đọc “Ngàn mặt trời rực rỡ” của Khaled Hosseini, cũng thấy phần nào sự thiệt thòi và những hủ tục mà phụ nữ Hồi giáo phải chịu đựng. Ta tự hỏi, sao họ khổ đến như vậy. Nhưng nếu như câu chuyện chỉ đấu tranh về một phía sẽ là phiến diện. Nếu như chiếc khăn đen che mặt thể hiện cho sự cấm đoán thì nó cũng là biểu hiện của sự tự do, được lựa chọn tôn giáo niềm tin của con người. Nói đến chiếc khăn, lại nhớ ra đàn ông mà chỉ được nhìn thấy mặt vợ, và mặt con gái thì thiệt thòi thật.

“Tôi mong trên đời có nhiều cô gái như Maya, được hưởng một nền giáo dục tốt, được có ít nhất mười tám năm cuộc đời để tự can nhắc, tự so sánh, tự chọn lựa và tự thực hiện những gì thuộc về niềm tin của cô ấy, kể cả đó là việc trùm lên đầu một chiếc khăn tôn giáo, nhưng đó không phải làm chiếc khăn của sự bất bình đẳng hay bị chà đạp, đó là chiếc khăn của trí thức, sự tự tin và là biểu tượng của nữ quyền”.

Giza
Giza – Ai Cập

Về con người và thế giới

Tác giả nói nhiều về thế giới nhiễu loạn thông tin ở phần đầu và phần cuối, khi thông tin được chia sẻ chóng mặt, ai cũng có thể trở thành nhà báo quyền lực vô song và nhiều thông tin không được kiểm chứng, thế giới mà anh hùng bàn phím nhiều hơn anh hùng đời thực.

“Ai cũng có thể ngồi xuống để viết, dù có thể chưa bao giờ dám đứng lên để sống”

Henry David Thoreau

Câu chuyện về Trung Đông khiến chúng ta phải suy nghĩ về danh tính dân tộc, về thiện và ác, về những điều không rõ trắng đen và những giá trị không thể phán xét sai hay đúng. Mình vẫn luôn nghĩ tôn giáo sinh ra luôn hướng con người ta đến với những điều tốt đẹp, an lành, hạnh phúc nhưng người truyền giáo không phải Thượng đế toàn năng. Họ cũng chỉ là con người mà con người thì luôn có phần thiện phần ác. Khi cái ác lấn lướt cái thiện “độc tài dưới danh nghĩa văn mình, tôn giáo cực đoan dưới danh nghĩa đạo đức, hủ tục ghê rợn thời hoang sơ bộ lạc được hợp pháp hóa dưới danh nghĩa truyền thống, của sự dày xéo thân xác đàn bà dưới danh nghĩa của phẩm hạnh thân xác” thì niềm tin ấy như con dao sắc làm tổn thương rất nhiều người.

Giữa một thế giới rộng lớn không rõ phải trái đúng sai, những ranh giới bị xóa nhòa, nhiều người trong chúng ta rơi vào cuộc khủng hoảng danh tính: Tôi là ai? Tôi sống để làm gì? Mục đích tối thượng của cuộc đời tôi là gì? Ai thực sự cần đến tôi trong đời này? Nhưng điều gì ta có thể bám víu vào giữa sự hoang mang và hỗn loạn ấy. Trong “Con đường hồi giáo”, tác giả đưa ra một gợi ý thế này:

“Có một niềm tự hào len lỏi trong tim tôi, tự nhủ rằng dẫu nền văn minh Việt không hùng vĩ và lâu đời như Ai Cập, nhưng trải qua bao sóng gió của đô hộ và thực dân, ít nhất người Việt mình vẫn biết ai là bạn ai là thù, dù có đổi thù thành bạn, dù có vay mượn ít nhiều cũng vẫn còn một tiếng nói kia để biết rằng ‘ngọn’ này còn nối liền với ‘gốc’.”

Vậy , Thượng Đế có thật không? Và chúng ta nên tin vào điều gì?

Link mua sách:

Những bài review sách ngắn và thường xuyên trên Bookstagram: @vitamin.books

Cám ơn bạn đã đọc tới đây, đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.

Theo dõi blog qua email