Cô gái và màn đêm của Guillaume Musso xuất bản năm 2018. Sách dày 410 trang do công ty sách Nhã Nam phát hành.

Link mua sách: Tiki | Cô gái và màn đêm – Guillaume Musso

Nhân vật chính trong truyện là Thomas, một nhà văn về thăm lại trường trung học cũ nhân dịp 50 năm kỷ niệm ngày thành lập trường. Từ đây, ký ức về tuổi 18 cuồng dại của Thomas – gã trai khác biệt nhất so với những gã trai khác quay về.  Những bí ẩn của Vinca – cô gái xinh đẹp khiến cậu mê mẩn một thời, lại được quan tân sau 25 năm chôn dấu. Và Thomas bắt đầu hành trình của mình để khám phá điều bí ẩn ấy, hay đúng hơn để che giấu điều anh từng làm năm 18 tuổi. Sự mất tích của Vinca có liên quan đến tất cả gia đình và những người bạn của Thomas. Hành trình đi tìm sự thật cũng là hành trình Thomas khám phá ra những bí mật phía sau sự hào nhoáng của gia đình mình.

Thực sự mà nói, so với những cuốn sách trước kia của Guillaume Musso từng khiến mình mê mẩn như Nếu đời anh vắng em, Hẹn em ngày đó, Central Park, Ngày mai, Cô gái Brooklin hay cuốn mới hơn như Dưới một mái nhà Paris thì “Cô gái và màn đên” cùng với cuốn “Cuộc sống bí mật của những nhà văn” khiến mình hơi thất vọng. Sau mỗi tác phẩm, cái chất lãng mạn trong tác phẩm của Guillame Musso dường như cứ mờ dần, để thay vào đó là một vụ án, một cuộc phiêu lưu, nhưng chính điều đó khiến mình cảm giác ông đã đánh mất chất tình trong phong cách của mình.

Vấn đề là ngòi bút của Guillaume Musso hơi đuối để tạo nên một câu chuyện trinh thám li kỳ. Plot truyện khá dài dòng và lằng nhằng, phức tạp, nhưng mà thắt nút rồi thì mở nút khá nhạt. Mở đầu truyện, mình đang hi vọng là nữ cảnh sát xinh đẹp được giới thiệu ở chương đầu sẽ làm gì đó. Nhưng thật kỳ lạ là cô ấy chỉ ở chương mở đầu thế thôi.  Diễn biến câu truyện hơi gượng ép, rời rạc, tâm lý nhân vật không được đào sâu, nên mình cũng cố gắng lắm để hết 410 trang chứ không có sự chìm đắm và lôi cuốn như những lần đọc khác. Cảm giác hành trình điều tra của nhân vật cứ ăn may sao sao ấy. Anh ấy không tự đi tìm, mà thỉnh thoảng tình cờ một người gọi điện mang manh mối đến. Đến mấy chương cuối, vì thấy nhân vật chính hơi bất lực trong quá trình đi tìm sự thật, tác giả cho 3 chương theo lời kể của nhân vật phụ khác, nói rõ tình tiết đã xảy ra trong quá khứ cho độc giả dễ hiểu cốt truyện, còn không biết nhân vật chính của chúng ta cuối cùng có biết sự thật không và biết như thế nào. Cô gái và màn đêm với mình là một câu chuyện mà mình không thấy sự đồng cảm với các nhân vật, ngay cả nhân vật chính.

(Xin lỗi vì đoạn sau này có Spoil nội dung. Nếu bạn muốn có trải nghiệm hồi hộp khi đọc tác phẩm trinh thám, hãy đọc truyện trước).

Ngoài kết cấu tác phẩm rời rạc, cái kết mình nghĩ là thiếu nhân văn, khiến mình không đồng tình. Thomas, nhân vật chính của chúng ta, năm 18 tuổi trong cơn ghen điên cuồng đã giết người và giấu xác sau bức tường nhà thể chất của trường. Đọc đến đây thì mình nghĩ có 2 trường hợp xảy ra, một là cuối truyện anh ta sẽ chết, hai là cái xác của người bị giết kia sống lại trả thù. Nếu không thì chẳng nhẽ cuối truyện nhân vật chính vào tù thì không ổn lắm. Tuy vậy, đọc đến giữa truyện, thì mình lại biết người bị giết kia bị chết oan, anh ta không có lỗi gì cả, chỉ vì sự hiểu nhầm. Người mình thấy chân chính nhất truyện là Richard, bố dượng của Thomas, phải nhận tội giết vợ mình. Sau đó, ông cũng có giết người để cứu Thomas, và ông là người duy nhất bị bắt vào tù. Còn người giết người do hiểu nhẩm và nông nổi và mát bình tĩnh của chúng ta vẫn ở đó, vẫn nỗi tiếng ở ngoài đời viết tiểu thuyết nhờ có các bậc phụ huynh đã xử lý giúp. Ủa Alo, có gì đó không đúng lắm và cực kỳ thiếu nhân văn ở đây. Vậy thế còn người bị Thomas giết bị chết oan thì sao, tại sao anh ấy lại phải chết kiểu đó.

Cùng với Marc Levy thì Guillaume Musso là tác giả mình đọc từ khi mình bắt đầu thích đọc sách và chính họ là người khiến mình thích đọc sách. Hơn 10 năm, năm nào tác giả ra sách mới cũng mua bởi tên tác giả như bảo chứng cho chất lượng, thậm chí mình còn mua cả bản tiếng Pháp để sưu tập đủ bộ. Vậy mà, hi vọng càng nhiều, thì thất vọng sẽ lại càng nhiều. Cuốn sách này khiến mình thất vọng bởi bản thân mình lớn lên với tác phẩm của Guillaume Musso. Mỗi khi đọc truyện của Guillaume Musso, dù nhiều người vẫn bảo chỉ là ngôn tình rẻ tiền nhạt nhẽo này nọ nhưng mình vẫn luôn thích những câu truyện đó bởi nó khiến mình tin vào những điều tốt đẹp. Chỉ cần mình mở lòng đón nhận thôi, không phán xét mình sẽ học được một bài học. Tuy vậy, đọc Cô gái và màn đêm, khi mình gấp sách lại, có vẻ như sự thiếu đồng cảm với nhân vật khiến mình sẽ chẳng học được bài học gì và không biết mình nên tin vào điều gì. Chẳng nhẽ, mình nên tin là tuổi trẻ có lúc sai lầm, giết người giấu xác nhưng vẫn hi vọng tại ngoại để viết tiểu thuyết trinh thám khi có phụ huynh lo liệu hết.

Có thể bản thân mình, một người đọc sách đã thay đổi. Mình không còn là đứa học sinh lớp 10, nhịn ăn sáng để có tiền vào hiệu sách mua truyện nữa. Những trải nghiệm cuộc sống và thế giới nhân sinh quan mở rộng khiến mình kỳ vọng nhiều hơn vào những điều mình nhận được trong mỗi cuốn sách và bộ phim mình xem. Mình vẫn mua cuốn sách mới nhất của Guillaume Musso – Cuộc đời là một cuốn tiểu thuyết. Mình vẫn hi vọng tìm lại chất lãng mạn pha lẫn sự hồi hộp của trinh thám đã khiến mình mê mẩn bao năm tháng.

Một số tác phẩm mình thấy hay của Guillau Musso:

  • Hẹn em ngày đó (2006) : – Cuốn này được chuyển thể thành phim, mình xem bản của Hàn Quốc một vài tác giả trẻ Việt Nam “mượn plot” để viết truyện ngắn.
  • Hãy cứu em (2005)
  • Nếu đời anh vắng em (2009)
  • Central Park (2015)
  • Cô gái Brooklyn (2019)
  • Dưới một mái nhà Paris (2018) – rất hay
  • Ngày mai (2016)

Nhìn chung Guillaume Musso là tác giả có nhiều tác phẩm hay nhưng chỉ là dạo gần đây hơi xuống tay chút.

Theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết mới trên blog qua email.

Theo dõi Blog qua email

Một số bài review sách khác: